Cập nhật: 6:33, 18/12/2020 Lượt đọc: 11227

Tìm hiểu dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa tại các nước Châu Âu trong thời kỳ đại dịch COVID-19

“Telehealth” bước đầu đã chứng minh các hiệu quả thiết thực như giảm tải bệnh viện đối với những bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ góp phần giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong môi trường bệnh viện. Tuy nhiên, những vấn đề mới phát sinh cần có giải pháp điều chỉnh trong tương lai như: thiết bị chuyên dùng cho khám, chữa bệnh từ xa; hợp thức hoá chi phí khám, chữa bệnh từ xa; công bình y tế trong khám, chữa bệnh từ xa…

Một cuộc tư vấn chuyên môn từ xa giữa các bác sĩ với nhau hoặc tư vấn chăm sóc sức khoẻ giữa bác sĩ với bệnh nhân thông qua các phương tiện truyền thông (điện thoại) hoặc công nghệ thông tin (video trực tuyến) đều khả thi ở tất cả các cấp độ của hệ thống y tế trong giai đoạn hiện nay. Ứng dụng tư vấn từ xa trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra các tiềm năng của các công cụ kỹ thuật số giúp cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đã được công nhận từ lâu, ứng dụng này đặc biệt có ý nghĩa để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực y tế ở các vùng sâu vùng xa và góp phần cải thiện thuận tiện cho người bệnh nhất là người bệnh bị giảm khả năng vận động hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

 

Bằng chứng thực tế cũng cho thấy tư vấn chăm sóc sức khoẻ từ xa có thể tiết kiệm chi phí so với chăm sóc thông thường, đặc biệt là những người mắc bệnh mn tính và những người sống ở vùng sâu vùng xa, thực tế cho thấy vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả và cải thiện sự hài lòng của người bệnh.

 

Tuy nhiên, ở thời điểm trước đại dịch COVID-19, những thách thức về công nghệ, sự hoài nghi về chuyên môn và các rào cản về đạo đức, tài chính, hành chính và cơ sở pháp lý đã hạn chế việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ tư vấn sức khoẻ từ xa. Hơn nữa, vẫn còn ít tiến bộ về công nghệ khám, chữa bệnh từ xa, ví dụ: tư vấn từ xa thường sử dụng liên kết điện thoại thay vì video trực tuyến hoặc các nền tảng khác cho phép chia sẻ đồng thời kết quả xét nghiệm, hình ảnh chẩn đoán,...

 

Có thể nói, tại Châu Âu, đại dịch COVID-19 là một cơ hội và là động để vượt qua những thách thức và hạn chế này và sẽ đạt được nhiều tiến bộ hơn trong việc triển khai telehealth. vấn sức khoẻ từ xa đã được khuyến khích trong thời kỳ đại dịch COVID-19, giúp phân loại bệnh và hỗ trợ cách chăm sóc tại nhà mà không làm tăng nguy cơ lây truyền. Khám, chữa bệnh từ xa cần được đẩy mạnh để đảm bảo khả năng tiếp cận và chăm sóc liên tục cho những người bệnh không mắc COVID-19, và cũng là cách giúp đảm bảo yêu cầu giữ khoảng cách và che chắn vật lý khi cần thiết. Điều này đòi hỏi phải tăng cường sử dụng các công cụ kỹ thuật số khác nhau để triển khai khám, chữa bệnh từ xa, cho cả giữa các bác sĩ với nhau và giữa thầy thuốc người bệnh tại nhiều quốc gia tại Châu Âu.

 

Khám, chữa bệnh từ xa ở Châu Âu đã tăng lên đáng kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện

 

Tư vấn chăm sóc sức khoẻ ban đầu từ xa đã được nhân rộng nhanh chóng ở nhiều quốc gia như Croatia, Malta, Ba Lan, Thụy Điển, Anh và ngày càng được sử dụng nhiều hơn ở Áo, Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Đức, Ý , Luxembourg, Thụy Sĩ. Để đảm bảo chất lượng của tư vấn từ xa, nhiều nước đã ban hành hướng dẫn chuyên môn về sử dụng dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khoẻ từ xa và kê đơn điện tử (như Malta) và đào tạo về tư vấn từ xa cũng đã được cung cấp ở những quốc gia khác (Anh, Thụy Điển).

 

Nguồn dữ liệu từ các bác sĩ thực hành tổng quát (GP) ở Anh cho thấy sự gia tăng nhanh chóng các cuộc tư vấn qua điện thoại so với tư vấn trực tiếp. Số cuộc tư vấn sức khoẻ qua điện thoại ở Anh tăng từ 856.631 lên 2.022.798 cuộc mỗi tuần trong khoảng thời gian từ ngày 2/3 đến ngày 18/5/2020, trong khi số lượng cuộc tư vấn qua video trong tháng 3/2020 cao hơn hẳn so với tháng 4 hoặc tháng 5 (trung bình khoảng 10.000 cuộc mỗi tuần).

 

Tại Pháp, vào tháng 2/2020, hơn 3000 bác sĩ đã cung cấp dịch vụ tư vấn từ xa và khoảng 40.000 người đã được BHXH hoàn lại chi phí sau khi sử dụng dịch vụ này. Dịch vụ tư vấn sức khoẻ từ xa tại Pháp đã được triển khai từ năm 2018 nhưng số lượt sử dụng dịch vụ này chỉ thực sự gia tăng từ khi có đại dịch COVID-19, kể từ khi kết thúc cách ly xã hội ở Pháp (vào ngày 11/5/2020), đã có sự đứng lại của số lần sử dụng tư vấn từ xa, nhưng con số vẫn cao hơn trước, ổn định ở mức 150.000 lượt mỗi tuần. Trong tuần đầu tiên của tháng 6/2020, khoảng 400.000 lượt tư vấn sức khoẻ từ xa.

 

Số lượt khám, chữa bệnh từ xa trong và sau thời gian phong toả xã hội do đại dịch COVID-19 tại Pháp

 

Điều đáng chú ý là trước khi phong toả xã hội ở Pháp, người trẻ dưới 50 tuổi sử dụng dịch vụ tư vấn từ xa nhiều hơn những người trên 50 tuổi, nghĩa là việc sử dụng dịch vụ tư vấn sức khoẻ từ xa giảm mạnh theo độ tuổi. Tuy nhiên, trong thời gian dãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, hiện tượng này đã thay đổi khi có nhiều người bệnh lớn tuổi hơn (trên 70 tuổi) chuyển sang sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh trực tuyến nhiều hơn, từ chỉ chiếm 8% trong tổng số lượt tư vấn từ xa ở thời điểm trước khi cách ly xã hội đã tăng lên 20%. Hơn nữa, xu hướng sử dụng dịch vụ này dường như vẫn tiếp tục sau khi ngừng phong toả, số bệnh nhân lớn tuổi chiếm khoảng 1/5 tổng số các cuộc khám chữa bệnh từ xa tại Pháp.

 

Sự chuyển đổi sang khám, chữa bệnh từ xa cũng đã được chấp nhận ở Đan Mạch, nơi có 71.508 cuộc tư vấn trực tuyến qua video (dân số 5,4 triệu người) trong cuộc khủng hoảng của đại dịch COVID-19. Trong thời gian tới, việc điều trị, kiểm tra sức khỏe, phục hồi chức năng, thăm khám bác sĩ và tư vấn tâm thần sẽ tiếp tục diễn ra tại nhà. Điều này phù hợp với chiến lược số hóa của quốc gia này và đang được duy trì và mở rộng.

 

Tương tự như vậy, tại Đức, kể từ khi nới lỏng một phần lệnh phong toả vào tháng 5/2020 giúp việc tham vấn trực tiếp trở nên dễ dàng hơn, tuy nhiên, dữ liệu từ Doctolib (dịch vụ quản lý cuộc hẹn kỹ thuật số cho bác sĩ) cho thấy người dân vẫn quan tâm đối với dịch vụ tư vấn trực tuyến: nếu có 4.133 lượt tư vấn qua video của Doctolib vào tháng 4, thì vào tháng 5, con số này đã tăng lên 4.870 lượt.

 

Ai tham gia cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa?

 

Tại Pháp, phần lớn các cuộc tư vấn từ xa do các bác sĩ tư nhân thực hiện (96%), trong số này, bác sĩ thực hành tổng quát (GP) chiếm 80%, tiếp theo là bác sĩ chuyên khoa tâm thần (6%), bác sĩ nhi khoa (2%), bác sĩ sản phụ khoa (1,3 %), bác sĩ da liễu (1,1%) và bác sĩ nội tiết (1,1%). Người mắc bệnh mạn tính sử dụng dịch vụ tư vấn từ xa nhiều nhất, chiếm 23% trước cách ly xã hội và tăng lên 28% sau cách ly xã hội. Trung bình, 80% cuộc trao đổi qua điện thoại là giữa bệnh nhân và bác sĩ, là những người đã khám chữa bệnh trực tiếp từ năm trước.

 

Tại Đức, có khoảng 19.500 lượt khám, chữa bệnh từ xa trong tháng 3/2020, so với 1.700 lượt khám từ xa vào tháng 1 và tháng 2/2020. Cổng thông tin bác sĩ-bệnh nhân lớn nhất nước Đức (“JAMEDA”) đã có sự gia tăng rất lớn về nhu cầu tư vấn trực tuyến qua video - tăng hơn 1.000% vào tháng 3 so với tháng 1 và tháng 2/2020 - và số lượng bác sĩ và chuyên gia trị liệu tâm lý sử dụng cổng để cung cấp dịch vụ đã tăng gấp 4 lần.

 

Tại Tây Ban Nha, một công ty tư nhân cung cấp nền tảng cho tư vấn y tế trực tuyến 24/7 thông qua một ứng dụng có tên là “MEDIQUO” (được thành lập khoảng hai năm trước): nếu như tháng 2/2020, có khoảng 70 bác sĩ tham gia với khoảng 700.000 người dùng, thì vào giữa tháng 3/2020, con số này đã tăng lên 153% với nhiều cuộc tư vấn liên quan đến COVID-19.

 

Các thay đổi về cơ sở pháp lý và tài chính trong hỗ trợ dịch vụ tư vấn từ xa

 

Tại Pháp, người dân sử dụng dịch vụ tư vấn sức khoẻ qua điện thoại đã được hoàn trả chi phí kể từ tháng 9/2018, nhưng chỉ giới hạn cho các bác sĩ và chỉ với những người bệnh đã được chẩn đoán trước đó (tức là đã có ít nhất một cuộc khám bệnh trực tiếp trước đó). Tư vấn từ xa cũng được quy định phải sử dụng đường dẫn video trực tuyến, không qua điện thoại và sử dụng phần mềm chuyên nghiệp để đảm bảo bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư cá nhân. Các quy định trên đã được đơn giản hóa đáng kể từ đầu tháng 3/2020. Các bác sĩ có thể khám, chữa bệnh từ xa cho bệnh nhân mới và được phép sử dụng điện thoại để tư vấn từ xa. Ngoài ra, việc sử dụng tất cả các phương tiện công nghệ phổ biến có sẵn để truyền video trực tuyến (như Skype, Whatsapp, Facetime, ...) đã được cho phép cùng với các giải pháp truyền thông khác.

 

Tại Đức và Thuỵ Điển, các hạn chế về số lượng đối với các bác sĩ tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn từ xa đã được dỡ bỏ. Nhiều quốc gia cũng đã nới lỏng các quy định về việc sử dụng toa thuốc điện tử (như Áo, Hy Lạp, Ireland), cho phép xác nhận nghỉ làm do ốm đau từ xa.

 

Tại Anh, các nhà cung cấp dịch vụ tư vấn từ xa đã được hoàn trả chi phí từ ngân sách trung ương cho các khoản chi bổ sung vốn cần thiết để mở rộng quy mô và khả năng ứng dụng CNTT để tạo điều kiện tham vấn từ xa và làm việc thông minh hơn.

 

Tại Hà Lan, năm 2020, đã có 72% bác sĩ thực hành tổng quát bắt đầu sử dụng tư vấn trực tuyến cho người bệnh qua video. Tuy nhiên, không rõ ràng rằng việc chuyển sang tư vấn trực tuyến ở Châu Âu sẽ được duy trì bao lâu sau cuộc khủng hoảng COVID-19. Tại Luxembourg, việc nới lỏng dãn cách xã hội đã khiến khối lượng thông tin liên lạc qua điện thoại giảm mạnh; Cơ quan Esanté (được hỗ trợ bởi Quỹ Y tế Quốc gia Luxembourg - CNS) cho biết số tư vấn từ xa hàng tuần giảm mạnh từ 1.000 xuống còn khoảng 100 trong những tuần sau khi nới lỏng dãn cách xã hội.  

 

Những thách thức khi muốn mở rộng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa

 

Việc nhanh chóng mở rộng khả năng tiếp cận tư vấn từ xa qua điện thoại và video trực tuyến đã cho phép các hệ thống y tế ở Châu Âu đối phó tốt hơn với COVID-19, giảm áp lực cho việc chăm sóc nội trú, giúp giảm lây truyền vi-rút bằng cách giảm tiếp xúc và cho phép những người mắc COVID-19 được hỗ trợ chăm sóc từ xa tại nhà riêng của họ. Tư vấn từ xa cũng cho phép những người có nhu cầu chăm sóc sức khoẻ khác tiếp tục tìm kiếm dịch vụ chăm sóc, đặc biệt là những người lo ngại về lây nhiễm COVID-19 qua tiếp xúc trực tiếp. Mặc dù tư vấn y tế từ xa đã được thực hiện trước đó ở nhiều quốc gia, nhưng đại dịch đã tạo động lực cho việc mở rộng quy mô nhanh chóng và rộng rãi, cùng với những thay đổi nhanh chóng đối về khuôn khổ pháp lý và cơ chế tài chính để có thể mở rộng quy mô này.

 

Tuy nhiên, việc tận dụng những tiến độ đã đạt được sẽ đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và nền tảng cơ sở hạ tầng, đào tạo và hỗ trợ các chuyên gia y tế sử dụng công nghệ này một cách thích hợp và xây dựng mối quan hệ từ xa với người bệnh cũng là một phần việc quan trọng. Việc đánh giá các điểm mạnh và hạn chế của khám, chữa bệnh từ xa cũng rất cần thiết. Ví dụ: trong khi tư vấn từ xa đã cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trong đại dịch COVID-19 và có thể tiếp tục hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sau đó, nhưng có thể không thích hợp để chăm sóc cho những bệnh nhân có nhu cầu chăm sóc sức khỏe phức tạp hoặc nhạy cảm và bệnh nhân cần được tiếp cận trực tiếp để xây dựng lòng tin với bác sĩ của họ.

 

Một số loại hình chăm sóc từ xa có thể được cải thiện nhiều nếu đi kèm với các thiết bị hỗ trợ, chẳng hạn như máy đo oxy mà bệnh nhân có thể sử dụng tại nhà và có thể cung cấp thêm thông tin cho việc chăm sóc của bác sĩ. Nhấn mạnh các giải pháp kỹ thuật số cũng có khả năng mở rộng thêm “khoảng cách kỹ thuật số” ở các quốc gia nơi mà không phải tất cả các hộ gia đình đều có phương tiện để trực tuyến, đặc biệt là những người sống ở các khu vực khó khăn hoặc ở các nhóm tuổi lớn hơn. Mặc dù một số quốc gia có các giải pháp về chính sách xã hội hoặc kinh tế để đảm bảo cho người dân truy cập Internet một cách công bằng sẽ giải quyết được vấn đề này, nhưng các giải pháp này không đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh trực tiếp.

 

Ngoài ra, một yêu cầu khác trong tương lai, các bác sĩ bắt buộc phải có quyền truy cập vào các nền tảng an toàn để tư vấn từ xa nhưng phải bảo vệ tính bí mật, riêng tư của người bệnh vì không phải tất cả các nền tảng thương mại đều phù hợp với các giao tiếp nhạy cảm tiềm ẩn như vậy.

 

(Tài liệu tham khảo: “Keeping what works: remote consultations during the COVID-19 pandemic” - Eurohealth — Vol.26  No.2  2020)

SỞ Y TẾ TP.HCM




Số lượt truy cập 003152966
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÀNH Y TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Số điện thoại: 1900.63.85.63  - Email: syt@tphcm.gov.vn

Địa chỉ: 59 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh 


Công ty cổ phần phần mềm Quảng Ích